Tương lai của ngành Logistics trong 5-10 năm tới sẽ ra sao ?

Chúng tôi đã cố gắng miêu tả 4 kịch bản có thể xảy ra đối với ngành logistics trong tương lai 5 đến 10 năm tới, nhưng đã giới thiệu qua ở phần đầu, đó là: chia sẻ PI, làn sóng khởi nghiệp, vấn đề quy mô và cạnh tranh phức tạp.

Chia sẻ PI

Các công ty chủ chốt trong ngành tăng hiệu quả và giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách cộng tác nhiều hơn, và phát triển các mô hình kinh doanh mới, chẳng hạn như chia sẻ mạng lưới. Nghiên cứu xung quanh “Physical Internet” (PI) hướng đến các tiêu chuẩn chung về kích cỡ lô hàng, sự kết nối nhiều hơn giữa các phương thức vận tải và các yêu cầu về CNTT giữa các nhà chuyên chở.

Điều gì thúc đẩy xu hướng này?

Có nhiều nhân tố, nhưng nguyên nhân chính là khách hàng đòi hỏi sản phẩm đến tay họ phải rẻ, xanh và nhanh hơn, đồng thời nhiều khách hàng công nghiệp mong đợi sự thoải mái khi cộng tác với các công ty logistics. Cùng lúc đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật số (digital standards) và tiêu chuẩn vật chất (physical standard) mới ra đời, hầu như liên quan mật thiết đến Physical Internet giúp các công ty dễ dàng chia sẻ năng lực hơn.

Xu hướng này mang lại ý nghĩa gì cho các công ty logistics?

Các công ty CEP dựa vào thương hiệu mạnh mẽ để đạt lợi nhuận thông qua hợp tác với các công ty khác để bù đắp cho những tuyến ít lợi nhuận hơn. Các công ty 3PL, 4PL và giao nhận vận tải bắt đầu xây dựng quan hệ đối tác với khách hàng, những người có sở hữu đội xe riêng. Các công ty vận tải biển và đường bộ có vẻ là những người hưởng lợi nhiều nhất từ tiêu chuẩn PI mới bởi vì nó sẽ giúp họ dễ dàng tận dụng năng lực của nhau. Kho bãi cũng đạt lợi ích từ việc giảm chi phí nhờ vào các hệ thống xếp dỡ, lấy hàng tự động dựa trên các tiêu chuẩn PI mới được áp dụng.

Tuy nhiên, an ninh mạng sẽ là một vấn đề quan trọng một khi các công ty chuyển sang tiêu chuẩn dữ liệu mới và chia sẻ dữ liệu nhiều hơn.

Làn sóng khởi nghiệp

Các công ty khởi nghiệp có thể trở thành những đối thủ đáng kể trong ngành khi họ xây dựng các mô hình kinh doanh mới dựa trên phân tích dữ liệu (data analytics), blockchain và các công nghệ khác để chiếm lĩnh một phần trường giao hàng chặng cuối (last-mile delivery), với giải pháp chia sẻ đám đông (crowd-sharing)

Điều gì thúc đẩy xu hướng này?

Đổi mới công nghệ và thói quen tiêu dùng thay đổi của khách hàng chính là những nhân tố then chốt. Trong phân khúc hàng bưu kiện/chuyển phát nhanh (CEP), các công ty khởi nghiệp tận dụng xu hướng nền kinh tế chia sẻ đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng để phát triển các giải pháp chia sẻ đám đông, đôi khi liên kết với chia sẻ phương tiện (car-sharing). Các công ty khởi nghiệp hướng đến xây dựng nền tảng (platform) để tổng hợp sự tiếp cận đến với chủ hàng và nhà chuyên chở. Các giải pháp loigistics áp dụng công nghệ blockchain đã được các công ty khởi nghiệp khai thác và đang trên đà phát triển, điển hình là tài liệu thương mại, thông quan và tài chính thương mại được số hóa.

Lĩnh vực giao nhận trở nên rất phân mảnh, các công ty khởi nghiệp (bao gồm 4PL start-up) bổ sung và tăng cường dịch vụ của 3PL thông qua các hợp đồng thầu phụ.

Các nhà vận hành CEP sẽ phải cạnh tranh với các start-up.

Vận tải và logistics là những lĩnh vực sẽ được tự động hóa nhiều nhất, nhưng trình tự thời gian áp dụng khác nhau. Chẳng hạn như hoạt động phân loại và lấy hàng sẽ được tự động hóa nhanh hơn giao hàng chặng cuối.

Các khách hàng công nghiệp sẽ hưởng lợi từ những dịch vụ logistics áp dụng công nghệ tiên tiến này, được cung cấp bởi sự kết hợp giữa các công ty chính thống và các start-up.

Khách hàng nhà bán lẻ có nhiều lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ giao hàng chặng cuối và kết quả là chi phí giao hàng thấp hơn.

Người tiêu dùng tham gia vào các giải pháp chia sẻ đám đông có thể kiếm thêm thu nhập. Họ có nhiều sự uyển chuyển hơn trong việc tham gia vào các giải pháp logistics dựa trên nền tảng (platform-based) từ bán thời gian đến toàn thời gian.

Cạnh tranh phức tạp

Những ông lớn trong ngành bán lẻ mở rộng các dịch vụ logistics của họ không chỉ để phục vụ cho nhu cầu của riêng họ mà xa hơn, chuyển dịch một cách hiệu quả từ vị thế là khách hàng sang làm đối thủ cạnh tranh với các công ty logistics. Họ mua lại các công ty logistics nhỏ để bao phủ các thị trường lớn, và để có những hiểu biết sâu sắc về hành vi của khách hàng nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Các  công ty công nghệ đã từng là nhà cung cấp của ngành cũng tham gia vào sân chơi logistics và cũng trở thành đối thủ cạnh tranh.

Điều gì thúc đẩy kịch bản này?

Bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi vô cùng sâu sắc. Các nhà bán lẻ trực tuyến bắt đầu tự vận hành hoạt động logistics của mình (một số trường hợp công ty chỉ giảm việc sử dụng dịch vụ bên ngoài chứ không thay thế hoàn toàn) nhằm tận dụng tối đa năng lực hiện có. Các chuỗi của hàng tạp hóa và trung tâm mua sắm cũng bắt đầu kết hợp hệ thống vật chất và trực tuyến với nhau nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.

Nhà cung cấp cũng gia nhập ngành. Bởi nếu các công nghệ mới như phân tích dữ liệu, robot tiên tiến, máy bay tự động, phương tiện tự lái tiếp tục phát triển phức tạp hơn, nhân sự của các LSP sẽ không còn đủ năng lực để vận hành chúng, điều đó khiến các nhà cung cấp công nghệ nhảy vào cuộc thông qua cung cấp các dịch vụ logistics dựa trên trình độ chuyên môn của họ.

Sản xuất dựa trên in 3-D đang trên đà phát triển và giúp giảm nhu cầu vận tải về mặt tổng thể. Để đối phó với tình hình, các công ty LSP thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới, như phát triển trạm trung chuyển in 3-D, và khả năng in 3-D tại các địa điểm của khách hàng, hoặc cung cấp các nền tảng (platform) với chuẩn mực in 3-D. Các công ty LSP do đó sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với chính các khách hàng của họ.

Xu hướng này hàm ý điều gì?

Các công ty CEP bị giảm sản lượng và vì vậy càng khó khăn hơn trong việc khai thác toàn bộ năng lực. Các công ty 3PL có lẽ sẽ phải hợp tác với các công ty về tự động để cải thiện hoạt động của kho bãi.

Các nhà bán lẻ trực tuyến tự vận hành hoạt động logistics của mình, giảm phụ thuộc vào LSP sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh hơn so với các nhà bán lẻ khác. Những tiến bộ hơn trong tự động hóa và robot hóa giúp giảm chi phí logistics cho các khách hàng công nghiệp.

 Quy mô cũng là một yếu tố đáng chú ý

Các công ty chủ chốt tăng hiệu quả bằng cách tinh giản các hoạt động của họ và tận dụng hoàn toàn các công nghệ mới. Họ tài trợ cho công nghệ mới đầy hứa hẹn với các khoản đầu tư mạo hiểm, và thu hút nhân viên mới với các kỹ năng quan trọng và có chuyên môn trong cạnh tranh để tạo ra một vị trí thống lĩnh thị trường. Những công ty chính hợp nhất để mở rộng quy mô địa lý của họ và tăng cường độ bao phủ trên khắp các phương thức vận tải.

Điều gì thúc đẩy xu hướng này?

Công nghệ tiếp tục được cải thiện, nhưng sự phát triển của nó bị chi phối bởi các nghiên cứu của những công ty chủ chốt trong ngành và sự thôn tính của họ đối với những công ty mới gia nhập ngành trong các lĩnh vực công nghệ cụ thể. Quy mô và hiệu quả của mạng lưới tiếp tục là nguồn lực quan trọng của lợi thế cạnh tranh, và xu hướng hợp nhất/gom hàng (consolidation) đang tăng tốc. Chìa khóa để thành công trong mô hình này là mua lại đúng công ty start-up vào đúng thời điểm: quá sớm thì tính đầu cơ quá cao, quá muộn thì giá sẽ quá cao.

Xu hướng này nói lên điều gì?

Tiếp cận nguồn vốn trở thành một nhân tố khác biệt quan trọng, cho cả việc thúc đẩy R & D nội bộ và tài trợ cho các công nghệ tăng cường hiệu quả như phân tích dữ liệu, blockchain và tự động hóa. Các hãng tàu mong muốn thiết lập vị trí thống trị bằng cách thúc đẩy M & A trong vận tải đường bộ và đường biển. Các công ty CEP tăng hiệu quả trong giao hàng chặng cuối cùng bằng cách giới thiệu các công nghệ mới như máy bay tự động (drone) phục vụ cả khách hàng B2B và B2C, nhằm đạt được USP (unique selling points – điểm tạo sự khác biệt cho sản phẩm/dịch vụ) trong một thị trường cạnh tranh cao như vậy.

Về phía khách hàng, họ được hưởng lợi nhiều hơn từ chi phí giảm và hiệu quả tăng, tốc độ giao hàng và chất lượng dịch vụ được cải thiện. Các công nghệ mới trong giao hàng và tương tác với khách hàng ngày càng tinh xảo, thân thiện hơn với khách hàng và mang lại cho họ sự thoải mái.

“Khi nhìn về tương lai, chúng tôi thấy sự đột phá, sự va chạm, sự đổ vỡ, sự chuyển đổi nhưng trên hết chúng tôi thấy cơ hội. Còn bạn, bạn thấy gì khi nhìn về tương lai của logistics?”

Nguồn: Smartlog trích từ PwC’s future in sight series, “Shifting patterns” – The future of logistics, 2016

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *